Tiêu đề cuốn sách đã nói lên nội dung và phần nào mở ra mong muốn, mục đích mà bố mẹ quan tâm và muốn đạt được sau khi đọc “Nuôi dạy con không quát mắng”. Khi gấp sách lại, mình nhận ra là:

1. Khen ngợi sáo rỗng cũng có tác hại tương đương với quát mắng

Không chỉ là “Nuôi dạy con không quát mắng” mà còn là nuôi dạy con không quát mắng và không khen ngợi sáo rỗng. Mình phải viết ngay điều này ra vì có lẽ nhiều phụ huynh chúng ta sẽ lầm tưởng rằng, những lời khen ngợi sẽ tốt hơn là quát mắng. Tuy nhiên, khen ngợi cũng phải đúng cách. Cũng giống như lời khuyên mình đọc được từ các nguồn khác nhau trước đó, chúng ta nên khen ngợi con dựa trên quá trình thay vì kết quả.

Chẳng hạn như, khi con hoàn thành một bức tranh, thay vì nói: “Con giỏi quá” thì sẽ nói rằng: “Mẹ thấy con đã vẽ rất vui”. Còn trong sách đưa ra một ví dụ về việc người cha khen ngợi con khi đã kiên nhẫn chờ đợi, không gây ồn ào: “Con giỏi quá”. Điều đó giống như lời của người bề trên dành cho người bề dưới. Nghĩa là người cha vốn dĩ trước đó không tin rằng con mình có thể chờ đợi được. Và thay vào đó, người cha nên nói “Cảm ơn vì con đã kiên nhẫn” sẽ hiệu quả hơn. Mối quan hệ cha-con cũng cần bình đẳng. Mọi người đọc tiếp keyword “bình đẳng” bên dưới nhé.

2. Các keyword để nuôi dạy con không quát mắng

“Nuôi dạy con không quát mắng” đi từ cơ bản, giải thích vì sao trẻ lại có hành động như vậy. Suy cho cùng, những hành động chưa phù hợp hay gây rối của trẻ đều xuất phát từ việc trẻ con muốn gây chú ý với bố mẹ. Vậy khi đã hiểu được nguyên nhân, chúng ta cần làm gì tiếp theo?

“Thái độ cương quyết”: Thái độ cương quyết khác với đàn áp ở điểm, cương quyết là đề nghị trẻ dừng lại hành động không phù hợp của mình. Còn đàn áp sẽ mang tới cảm giác không thoải mái cho những người xung quanh không liên quan, họ sẽ có thể cảm nhận cơn tức giận đến từ chính cha mẹ.

“Bình đẳng”: Hãy luôn coi mối quan hệ cha mẹ với con cái là một mối quan hệ bình đẳng, không phải cha mẹ là bề trên thì có quyền quát mắng con. Khi hiểu ra điều này, cha mẹ sẽ xây dựng được mối quan hệ bạn bè với con.

“Cảm ơn”: Như đã nói ở phần 1, lời “Cảm ơn” sẽ tốt hơn là một lời khen ngợi sáo rỗng. Cha mẹ hãy cảm ơn con khi con giúp đỡ mình, khi con làm được một việc tốt. Bằng cách này, cha mẹ sẽ giúp con “cảm thấy mình có ích” – được tác giả viết riêng một phần trong “Chương 4: Khích lệ trẻ”.

“Giúp đỡ”, “hỗ trợ”, “không can thiệp”: Nói như cách chị Aki Nguyễn (tác giả cuốn Kỷ luật mềm của trái tim), chúng ta nên trở thành “cha mẹ đồng hành” chứ không phải “cha mẹ trực thăng” hay “cha mẹ dọn đường. Việc của cha mẹ là hỗ trợ con để con trở nên tự lập thay vì làm hộ con. Sau này khi con lớn hơn, có những khó khăn, nhiều khi con không cần cha mẹ giúp đỡ ngay cả khi nhận được lời đề nghị. Lúc ấy, việc của cha mẹ là ở bên, lắng nghe nếu không muốn mình trở thành một người can thiệp vào cuộc sống của con.

“Tôn trọng”“tin tưởng”: Vì mối quan hệ cha mẹ và con cái là bình đẳng, nên con cũng cần được cha mẹ tôn trọng. “Đối xử với con như con vốn là”, “để con được là chính mình” là những keyword hẹp hơn mà cha mẹ cần nhớ. Ngoài ra, trong sách còn đưa ra một khái niệm về sự tin tưởng. Cha mẹ hãy tin tưởng con có thể làm được một cách vô điều kiện. Thông thường, mình hay nghĩ tin tưởng là một quá trình, nghĩa là vì con (hoặc ai đó) đã làm tốt trong một thời gian dài, mình biết rằng họ có thể làm tốt trong tương lai thì mới gọi là tin tưởng. Nhưng theo “Nuôi dạy con không quát mắng” thì đó là khái niệm “tín nhiệm”. Ồ hoá ra là vậy đó!

3. Để nuôi dạy con không quát mắng, cha mẹ cần làm gì?

Hoá ra, để nuôi dạy con không quát mắng, cha mẹ chỉ cần làm 2 điều này:

  • Tận hưởng niềm vui hiện tại: Nghĩa là sự tồn tại của con đã là một niềm hạnh phúc, con không cần làm gì vẫn mang lại niềm vui cho cha mẹ. Việc con xuất hiện trong cuộc đời là sự khởi đầu và tất cả những việc tiếp theo xảy đến là những phép cộng.
  • Vứt bỏ kì vọng: Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, cha mẹ không thể đem một hình mẫu lý tưởng hay nôm na là “con nhà hàng xóm” để so sánh với con của mình; không thể đem ước mơ của đời mình ép buộc con biến nó thành hiện thực. Con là chính con và việc cha mẹ cần làm là tôn trọng và “coi con như con vốn là”.

Trước khi đọc, mình thấy nhiều cha mẹ “kháo” nhau rằng đây là một cuốn sách khoa học viễn tưởng. Sách dày 200 trang, dễ đọc, đọc rất nhanh nhưng thực hành lại là một quá trình. Và dù là sách khoa học viễn tưởng thật, mình vẫn mong là cha mẹ sẽ tìm đọc để hiểu mình, hiểu con và bớt mắng con chút nào hay chút ấy. Bởi vì, khi quát mắng, con sẽ càng lặp đi lặp lại hành vi không phù hợp thôi cha mẹ ạ!