Mình lại đặt xuống một cuốn sách rất hay về “tâm lý học kinh điển về tình yêu, phẩm giá và hành trình trưởng thành tinh thần”. Theo dịch giả, Con đường chẳng mấy ai đi là cuốn sách “tâm lý học kinh điển” bởi vì “The Road Less Traveled được xuất bản lần đầu từ rất lâu rồi, trước cả khi mình chào đời, nhưng chứa đựng những giá trị vượt thời gian và nhiều bài học vô giá”.
Con đường chẳng mấy ai đi gồm 4 phần: Kỉ luật, Tình yêu, Trưởng thành và Tôn giáo, Phước lành.
Kỷ luật là phương tiện giúp chúng ta đón nhận vấn đề
Con đường chẳng mấy ai đi mang đến những phân tích cơ bản, dễ hiểu về Kỉ luật và Tình yêu khiến mình đọc mà cảm nhận như là sách viết cho mình – khi ở tuổi trên 30, mình cũng có những trải nghiệm ít nhiều với cuộc sống và tự soi chiếu vào những điều đã qua. Bởi vậy mà các review về cuốn sách, đều nói đây là cuốn Tâm lý học cơ bản dành cho tất cả mọi người, nhất là các bạn trẻ.
Mở đầu cuốn sách, tác giả viết “Cuộc đời này rất khó sống”. Hãy đón nhận nó bằng cách “đối mặt trực diện” và “chấp nhận nỗi đau”. Đây là một hành trình không hề dễ dàng và kỷ luật chính là phương tiện giúp ta làm được điều đó. Có 4 công cụ kỷ luật mà tác giả nhắc đến và mình xin được tóm tắt lại dưới đây (Bạn cần đọc sách để hiểu rõ hơn qua các ví dụ thực tế và khách quan):
- Biết trì hoãn ham muốn: Chính là quá trình sắp xếp giữa thứ ta muốn làm và thứ ta phải làm, đón nhận sự trải nghiệm những sự khổ sở bắt buộc trước rồi sau đó tận hưởng cảm giác khoan khoái khi được làm những điều dễ dàng và ưa thích sau đó. Và với mỗi vấn đề, cần “dành đủ thời gian”.
- Sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm: Bạn chỉ có thể giải quyết vấn đề khi dám nhìn nhận rằng: “Đây là vấn đề của mình và mình có bổn phận tự giải quyết”.
- Tôn trọng sự thật: Giống như một tấm bản đồ chân thật và chính xác, chúng ta biết mình đang ở đâu và xác định được nơi mình muốn đến, chúng ta sẽ biết mình cần phải đi như thế nào.
- Biết cân nhắc trước sau: Hay còn gọi bằng một keyword khác là “sự linh hoạt”, “kỷ luật tự giác”.
Tình yêu có đúng như bạn nghĩ?
Nếu như kỷ luật là phương tiện trong quá trình trưởng thành về mặt tinh thần thì động lực cho kỷ luật chính là tình yêu. Với một đứa khá cảm xúc như mình, mình đã từng nghĩ tình yêu đôi lứa là những cảm xúc rung động mãnh liệt, phải lòng, si mê… Nhưng hoá ra, tình yêu còn nhiều hơn thế và những cảm xúc kia chỉ là tiệm cận, là một bước đi trên hành trình đến tình yêu.
Con đường chẳng mấy ai đi mở ra và giúp mình khẳng định lại chính xác hơn về tình yêu cả trong mối quan hệ hẹn hò, vợ chồng hay với con cái:
- Khái niệm “hôn nhân mở”: Là can đảm chấp nhận sự riêng biệt của nhau.
- “Trải nghiệm bình nguyên” (pleteau experience): Cảm giác viên mãn bình ổn, không chạy theo những cảm xúc đột ngột rồi rơi rụng mà hãy trân quý những thứ ổn định trong tầm tay.
- Yêu là tự do lựa chọn: Hai người chỉ yêu nhau khi họ hoàn toàn có thể sống không có nhau, nhưng vẫn lựa chọn sống cùng nhau.
- Tình yêu được thể hiện qua cả sự tranh đấu và bao dung.
- Tình yêu đích thực là quá trình hoàn thiện bản thân: Tình yêu đòi hỏi bản thân chúng ta phải thay đổi nhưng đó là thay đổi theo hướng phát triển thêm chứ không phải hy sinh mất.
- Tình yêu luôn là con đường hai chiều mà trong đó người nhận cũng cho mà người cho cũng nhận.
- Tình yêu cần kỷ luật.
- Tình yêu cần tách biệt: Nhìn nhận người khác là người khác.
Với đứa trẻ, trong gia đình, quan trọng nhất là tình yêu thương
Đây là một ý nhỏ mà mình muốn tách biệt ra để nhắc nhở bản thân.
Thời gian và chất lượng thời gian mà cha mẹ dành cho con sẽ giúp con cảm nhận được cha mẹ quý trọng chúng đến nhường nào. Chúng luôn biết rằng mình được yêu thương (dù đôi khi có thể phàn nàn rằng cha mẹ không đủ thấu hiểu), từ đó, cảm thấy bản thân có giá trị và sẽ biết tự yêu quý chính mình.
Có thể nói, “gia tài” mà cha mẹ có thể trao tặng cho con là ý thức kỷ luật và sự quan tâm chân thành, bền bỉ.
Con đường trưởng thành tinh thần là con đường học hỏi suốt đời
“Con đường trưởng thành tinh thần là con đường học hỏi suốt đời”. Đó là con đường mà chúng ta luôn cần phải nỗ lực, vượt qua sự lười biếng – “lực cản Entropy”. Vũ trụ là bước đệm, và bước qua nó từng bước một là trách nhiệm của chúng ta.
Mình tóm lại nửa sau cuốn sách là một câu nói ngắn gọn này. “Cuộc sống này khó sống” nhưng đáng sống khi chúng ta không ngừng phát triển về tinh thần, khám phá bản thân. “Phước lành”, “cơ duyên”, “phép màu” luôn dành cho mỗi chúng ta và hành trình trưởng thành về mặt tinh thần sẽ giúp chúng ta nhận ra và đón nhận chúng.
Tất cả những điều mình ghi lại đây là những nội dung “chạm” đến mình. Còn rất nhiều những kiến thức khác trong sách mà tất nhiên, một bài review là không thể nói hết. Một lần nữa, mình mong bạn sẽ đọc, nhất là khi bạn còn trẻ vì đây thật sự là một cuốn sách tâm lý cơ bản, rất hay, dễ hiểu. Con đường chẳng mấy ai đi sẽ giúp bạn nhận ra vấn đề của mình, hiểu ra điều bạn cần làm và thực hành được hay không thì chắc chắn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của mỗi chúng ta.