Hạnh phúc không phải thứ được định đoạt bằng tiền. Hạnh phúc phải được định đoạt bằng tâm thế của mỗi chúng ta.

Ôi khi đọc câu này ở bìa cuối cuốn sách Người bà tài giỏi vùng Saga, mình cảm thấy như nói trúng tim đen của một đứa suốt ngày “đứng núi này trông núi nọ”. Người bà tài giỏi vùng Saga là câu chuyện của cậu bé Yoshichi phải xa mẹ để về quê sống với bà. Ở đây, cậu đã có những năm tháng hạnh phúc đúng nghĩa.

Đọc Người bà tài giỏi vùng Saga, có những đoạn cảm động lắm. Vì không thể lo cho cuộc sống của Yoshichi thật tốt ở thành phố, mẹ buộc lòng cho con về quê. Cảnh hai mẹ con khóc khi tàu rời đi khiến đau nhói con tim những người mẹ như mình. Nhưng cũng chính từ đó, Yoshichi lại có 8 năm đầy niềm vui và ý nghĩa khi sống cùng bà, người bà đáng ngưỡng mộ bởi cách sống đầy lạc quan, đã quen với cái “nghèo truyền kiếp” nên cứ vui vẻ mà nghèo, vui vẻ mà sống.

Có lúc, đọc Người bà tài giỏi vùng Saga, mình lại phì cười. Như chi tiết “siêu thị sông” giúp hai bà cháu có những bữa ăn mỗi ngày, hay khi Yoshichi bảo bà cậu không giỏi tiếng Anh, ‘Thì viết là “Em là người Nhật”; cậu không học được lịch sử, bà bảo hãy viết là: “Em không quan tâm đến quá khứ”.

Lòng tốt, sự tử tế thực sự là khi ta không để ai nhận ra việc mình làm.

Bao trùm lên cuốn sách là sự tích cực, vui vẻ. Cuộc sống dưới lăng kính của bà Sano được “filter” bằng một lớp lạc quan và sự tử tế. Bà luôn luôn tận hưởng mọi thứ mình có chứ không phải gồng lên kiếm tìm những điều xa xôi. Con người ở vùng quê nghèo Saga cũng vô cùng tốt bụng. Họ hiện thân dưới những người thầy cô năm nào cũng giả vờ đau bụng để đổi hộp cơm của mình cho hộp cơm chỉ có mơ khô và gừng muối của Yoshichi; là bác bán đậu phụ cố tình bẻ vỡ để bán giá rẻ bằng một nửa cho hai bà cháu.

Điều mình thích nhất là đọc xong Người bà tài giỏi vùng Saga, cảm xúc để lại là cảm giác quá đỗi bình yên, là nhận ra điều vô cùng giản dị: Hạnh phúc chính là hiện tại mình đang có.

Và đây cũng là một trong những cuốn sách mình mong Bánh Rán sẽ tự đọc khi đã đọc thành thạo.