Đợt dịch Covid, mình cho Bánh Rán theo được khá lâu các buổi đọc sách của “cô Aki”, đến bây giờ Bánh Rán vẫn nhớ tên cô và thi thoảng còn nhắc mẹ: “Quên không đọc sách với cô Aki rồi”. Cô Aki của Bánh Rán chính là tác giả cuốn “Kỉ luật mềm của trái tim” – cuốn sách mà mình đã nâng lên đặt xuống nhiều lần trước khi quyết định đọc. Nhưng rồi đến một ngày, khi cảm thấy bản thân bắt đầu chệch hướng trong việc nuôi dạy con, mình đã không chần chừ hay băn khoăn gì nữa.

Và đây là những điều mình nhận được khi đọc sách:

1. Rèn luyện từ bản thân cha mẹ

Gia đình là nền tảng trong việc giáo dục con cái. Cha mẹ hạnh phúc thì con sẽ hạnh phúc. Cha mẹ tự tin, con sẽ tự tin. Điều này mình đã biết nhưng vẫn muốn ghi lại, để ghim vào trí nhớ. Và để hạnh phúc, cha mẹ cần:

  • Dành thời gian cho bản thân và vợ/chồng
  • Sống tối giản, yêu những gì mình có: Đây là triết lý Thiền của người Nhật, họ yêu thích việc tự tay dọn dẹp nhà cửa và nâng niu những vật dụng. Họ coi việc tỉ mỉ chăm sóc ngôi nhà của mình là cách rèn giũa tâm hồn.
  • Cha mẹ 8 điểm: Quy tắc mà chị Aki nhắc đến này có nghĩa là cha mẹ không cần phải hoàn hảo, biết thừa nhận khiếm khuyết, không tạo áp lực lên bản thân cũng như con cái.
  • Dành thời gian chất lượng cho con: Toàn tâm toàn ý, không xem điện thoại, không xao lãng vào những việc khác.
  • Đối với người mẹ, nuôi dưỡng tình mẫu tử, sự kết nối an toàn trong những năm đầu đời của con với mẹ sẽ hỗ trợ con rất nhiều trong việc phát triển sau này. Ôm con và trò chuyện với con nhiều hơn kể cả khi con đã lớn.

2. Đồng hành để con tự tin và tự lập hơn

Những em bé hạnh phúc và thành công là những em bé có cha mẹ đồng hành, hỗ trợ thay vì áp đặt, bảo hộ quá mức. Nói như chị Aki, hãy là “cha mẹ đồng hành” chứ không phải “cha mẹ bảo hộ quá mức”, “cha mẹ trực thăng” hay “cha mẹ dọn đường”.

Đồng hành có nghĩa là:

  • Trao quyền cho con nhiều hơn: Cho phép con được làm sai, được tìm hiểu cái mới trong giới hạn an toàn; tin tưởng vào khả năng của con; đi kèm với thừa nhận, khen ngợi và khích lệ. Tuy nhiên, với những hành động có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ, vô cùng nguy hiểm như điện, lửa, cha mẹ cần hết sức nghiêm khắc nhắc nhở.
  • Kiên nhẫn, kiên nhẫn và kiên nhẫn: Chờ đợi con tự mặc quần áo, tự đánh răng hay làm những việc con đã có thể làm là cách tạo cho con tính tự lập bởi trẻ con có nhịp độ sống riêng của chúng.
  • Thay đổi cách diễn đạt, góc nhìn: Không nên nói: “Con phải…” mà nên nói: “Mẹ muốn…”; không nói “Không” cấm đoán mà cảnh báo, giải thích, thay đổi cách làm…

3. Cùng con trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ

Trải nghiệm nguyên sơ hay trải nghiệm thiên nhiên nguyên sơ (original experience) có vai trò rất quan trọng trong việc nuôi dưỡng 5 giác quan, từ đó phát triển năng lực tư duy, khả năng phán đoán và biểu đạt. Trải nghiệm thiên nhiên cũng giúp phát triển trực giác – giác quan thứ 6 của trẻ.

Mình dành riêng một ý cho phần này vì thấy thật sự trải nghiệm thiên nhiên có lợi cho cả sức khoẻ tinh thần và thể chất. Ít nhất thì khi được gần gũi thiên nhiên, bản thân mình cảm thấy nhẹ nhàng và bao dung hơn rất nhiều.

“Kỉ luật mềm của trái tim” được viết giản dị, gần gũi và rất dễ đọc. Sách không mang tính giáo điều, không dùng từ ngữ cao siêu hay triết lý, mà đi thẳng vào những cách cha mẹ có thể thay đổi để đồng hành cùng con thông qua những gì chị Aki được nghiên cứu và được trải nghiệm. Sách nhắc đến nhiều tư duy, cách sống, kĩ năng của người Nhật nhưng không phủ nhận truyền thống và các giá trị của người Việt. Vì thế, mình nghĩ cha mẹ đọc có thể tham khảo và linh hoạt áp dụng.

Mình chọn đọc “Kỉ luật mềm của trái tim” một phần vì cảm nhận được sự kiên nhẫn của chị Aki với tụi nhỏ, vì thích cách chị yêu mến trẻ con. Với những cuốn sách như thế này, mình thấy đọc nên kèm thực hành, luôn và ngay, thấy sai ở đâu lại mở ra đọc lại để tham khảo. Mà điều này mình cũng đang tập dần.