“Chữa lành là trở về với chính mình để tìm thuốc” là tiêu đề của số Have A Sip mình vừa nghe của thầy Minh Niệm với Vietcetera. Tự nhiên, nghe xong chương trình này, mình lại có một góc nhìn khác về thầy Minh Niệm, không giống như những gì mình hay “gán mác” cho một thiền sư. Mình thấy ở thầy là những triết lý gắn liền với văn minh, truyền thống đi cùng hiện đại, không ngại làm mới bản thân, không ngại hiện diện trên các nền tảng mạng xã hội. Thầy tôn trọng những giá trị cổ xưa nhưng cũng biết cách nhận lấy các giá trị hiện đại để đến gần hơn với mọi người.

Mình tìm hiểu về chữa lành cũng khá lâu rồi, dừng lại ở mức độ nhận biết và chưa thực hành được thành công. Vì thế, việc “chữa lành là trở về với chính mình” thì mình đã biết, nhưng vẫn muốn nghe để hiểu và cũng là để nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Trước khi nghe, mình nghĩ thầy sẽ chia sẻ về tiếng nói bên trong, về việc quay về chính mình bằng hơi thở chánh niệm… đều là những điều mình đã đọc. Nhưng buổi nói chuyện gần gũi, không mang tính lý thuyết mà đầy sự chia sẻ cho mình những cảm nhận mới. Mình ghi chú được 3 từ khoá mà mình sẽ viết chi tiết dưới đây.

1. Chấp nhận – Accept

Thầy Minh Niệm giải thích rằng, để có thể chữa lành thì trước tiên mình phải biết chấp nhận. Chấp nhận là mình đang mang một tổn thương tâm lý, chấp nhận mình bị rối loạn lo âu. Việc chấp nhận, không kháng cự lại nỗi đau sẽ là điều kiện tiên quyết giúp việc chữa lành được diễn ra. Nghĩa là mình biết rằng mình đang có vấn đề nào đó thay vì chống lại vấn đề ấy: “Tại sao tôi lại bị như thế?”.

Mình nghĩ rằng việc chấp nhận cũng giống như là mình nhận biết cảm xúc, vấn đề đang xảy ra trong cơ thể và tâm trí mình. Chúng cần được ôm ấp chứ không phải sự phủ định hoàn toàn.

2. Làm mới bản thân

Thầy Minh Niệm lấy một ví dụ về cuộc nói chuyện với Trịnh Công Sơn, khi mà ông bảo thầy có vẻ như ông đã “cũ” quá, không thể mang lại điều gì mới mẻ cho mọi người. Và ai cũng cần những khoảng thời gian để làm mới mình, tránh xa những ràng buộc hàng ngày, những trách nhiệm, những người thân yêu để dành một không gian cho mình. Cuộc hành trình “Into the wild” kéo dài 3 năm của thầy Minh Niệm cũng xuất phát từ mong muốn đó. Khi mình mới mẻ, mình có thể trao sự mới mẻ đó những người xung quanh. Vì vậy, việc mình dành thời gian cho bản thân như vậy không có gì là ích kỷ cả.

3. Hiểu và thương bản thân mình nhiều hơn

Ồ, khép lại chương trình, chị Thuỳ Minh hỏi thầy muốn nhắn gửi gì đến thính giả của Have A Sip – những bạn trẻ Gen Z biết chấp nhận mình nhưng hơi thiếu sự cố gắng, những người trẻ gặp vấn đề tâm lý, thầy đã nói rằng: “Hiểu và thương bản thân nhiều hơn”. Nghe câu đó, tự nhiên mình xúc động. Lạ thật! Mình nghĩ đó là lời nhắn gửi chạm vào phần tâm trí sâu bên trong mình, rung động và tạo ra cảm giác đó khi mình theo dõi chương trình. Mặc dù suốt cả buổi nói chuyện, thầy Minh Niệm chia sẻ những điều rất thực tế, tích cực, không phải kiểu như những radio chữa lành, những bài giảng lắng đọng, vậy mà mình vẫn cảm thấy thật sự “chạm”.