“Trong một thí nghiệm do Nagy và Herman tiến hành năm 1987 về hiệu quả của hoạt động đọc, đã thu được kết quả như sau: trẻ đọc trung bình 20 phút mỗi ngày (3.600 phút/năm) thường đạt kết quả loại A ở trường học và thu nhận được khoảng 1.800.000 từ; trẻ đọc 5 phút mỗi ngày (900 phút/ năm) thu được 282.000 từ; trẻ đọc 1 phút mỗi ngày (180 phút/năm) thu nhận được 8.000 từ.” – Trích dẫn trong Nghiên cứu và khảo sát về việc đọc của trẻ em Việt Nam trong thời đại công nghệ của cô Diêu Thị Lan Phương – Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn.

Con số trên, cùng với những điều được lắng nghe từ các lớp học cùng các thầy cô có bề dày kinh nghiệm và kiến thức, mình hiểu rằng đọc sách mang đến vô vàn lợi ích; không chỉ để học tập, mà còn là thời gian giải trí thậm chí chữa lành. Bài viết này mình chia sẻ lại những lưu ý khi đọc sách và cách chọn sách cho bé từ 0-6 tuổi. Những chia sẻ mình tổng hợp từ buổi chia sẻ cách đọc Ehon, buổi học với cô Ngọc Minh (Founder của “Sách ơi mở ra”, tác giả cuốn “Nuôi dưỡng một người đọc tí hon”) mình được tham gia và từ kinh nghiệm đọc sách cũng như quan sát cách các cô đọc sách cho bé.

3 yếu tố quan trọng nhất khi đọc sách cho bé

  • Giọng đọc
  • Biểu cảm khuôn mặt
  • Ngôn ngữ hình thể

Bánh Rán nhà mình giờ đã gần 5 tuổi, trước đây, Bánh Rán chịu khó ngồi nghe đọc sách lắm nên việc đọc khá dễ dàng. Nghĩa là mình có thể cho con ngồi vào lòng, đọc y nguyên những điều trong sách với giọng đọc biểu cảm một chút, cùng con quan sát tranh là Bánh Rán hợp tác ngay. Nhưng Mỡ, gần 2 tuổi, bây giờ thì lại khác hoàn toàn. Mỡ thích một số sách nhất định, nghịch ngợm hơn và thích tương tác nhiều hơn. Vì thế, nhiều khi để thu hút con, mình sẽ cần kết hợp cả biểu cảm khuôn mặt và ngôn ngữ hình thể. Chẳng hạn như, với cuốn “Tiệm súp lừng danh”, ở đoạn mở đầu khi các bạn động vật đánh hơi thấy mùi súp bên trong nhà của bà phù thuỷ, mình sẽ làm động tác bò, chun mũi “khịt khịt” và reo lên: “Thơm quá!” để Mỡ thấy tò mò.

Dù bé đã rất hợp tác rồi, nếu kết hợp được cả 3 yếu tố trên trong một buổi đọc sách, chúng mình sẽ có khoảng thời gian đọc hiệu quả và vui vẻ hơn rất nhiều. Ngoài ra, một số dòng sách còn kết hợp cả âm nhạc như bộ Kể chuyện âm nhạc của Lionbooks khiến các bé rất hào hứng trước những thanh âm vui nhộn, gần gũi và dễ nhớ.

Đọc sách cùng các bé từ 0-3 tuổi

Giai đoạn 0-1 tuổi, các bé tiếp nhận thông tin bằng cách lắng nghe và nhìn hình ảnh là chủ yếu. Thời gian đọc sách với nhóm tuổi này không cần quá lâu, khoảng 2-3 phút lúc đầu, sau đó tăng dần lên 5 phút và tối đa khoảng 10-15 phút. Bạn có thể tìm hiểu về phương pháp tráo thẻ flashcard. Để bé ngồi hoặc nằm trong lòng, lật mở sách thật nhanh và đều. Trước đây mình chưa biết tới phương pháp này nên chưa áp dụng, vẫn chỉ mở sách ra cho con xem, đọc và chỉ tranh thì thấy Mỡ với Bánh Rán tầm tháng tuổi này chăm chú quan sát lắm.

Ngoài ra, bên cạnh việc tiếp nhận thông tin bằng thính giác và thị giác, đây là giai đoạn mà hành vi đọc của bé còn là cảm thụ bằng những giác quan khác như cầm, nắm, sờ, chạm, nếm, sách cho bé nên là sách bìa cứng, dày dặn, như một món đồ chơi.

Giai đoạn 1-3 tuổi sẽ nhiều thách thức hơn vì lúc này bé bắt đầu biết bò, tập đi và yêu thích việc khám phá mọi thứ xung quanh nên khó mà ngồi yên một chỗ. Về hành vi đọc, bé bắt đầu hấp thụ từ vựng, ngữ pháp. Ngoài hình ảnh, bé sẽ chú ý tới từ vựng, có thể nói theo các từ đơn hoặc câu ngắn trong sách. Sách cho bé giai đoạn này có nội dung cụ thể hơn, từ ngữ đơn giản, gần gũi với đời sống, khổ chữ lớn; hình ảnh minh hoạ lớn, trình bày hấp dẫn. Với sách Ehon, có những cấu trúc câu, từ ngữ sẽ được lặp đi lặp lại. Chẳng hạn như, bộ Ehon “kinh điển” “Ai ở sau lưng bạn thế?”, những câu hỏi “Phía sau/trước/trên/dưới bạn… là ai thế nhỉ?”, những câu trả lời: “Ồ, là bạn…” được nhắc lại liên tục qua từng trang sách. Việc lặp lại này không gây nhàm chán mà giúp bé ghi nhớ dễ dàng hơn, đôi khi còn tạo ra sự hài hước cho câu chuyện.

Khi đọc, bố mẹ có thể đọc theo chữ trong sách, nhưng không dừng lại đó mà nên vừa chỉ tranh, vừa mô tả rõ hơn cho bé. Lại nhắc đến cuốn “Tiệm súp lừng danh”, cuốn này hơi nhiều chữ so với tầm tuổi Mỡ nên mình chỉ đọc nội dung tóm tắt theo lời của mình. Vừa đọc mình vừa dừng lại chỉ cho Mỡ và miêu tả các con vật xuất hiện trong trang sách: “Ôi Mỡ ơi bạn gấu nâu to này”, “Bạn thỏ tai dài này”, “Bạn nhím có gai sắc nhọn này”… Vì Mỡ thích các con vật nên Mỡ sẽ chú ý và thích thú hơn.

Vì đây là độ tuổi bé rất hiếu động nên đọc sách cho bé giai đoạn này muốn hiệu quả cần kết hợp tốt 3 yếu tố quan trọng mình nhắc tới ở phần 1.

Mỡ và những cuốn sách yêu thích gần đây

Đọc sách cùng bé từ 3-6 tuổi

Giai đoạn 3-6 tuổi dễ thở hơn rồi này, và càng thuận lợi hơn khi bố mẹ đã duy trì thói quen đọc sách cùng con ở những giai đoạn trước đó. Ở độ tuổi này, bé bắt đầu hiểu nội dung, thích những cuốn sách có cốt truyện, có nhân vật và có tri thức. Sách cho bé sẽ khoảng 5-10 câu/trang, không quá 60 trang/cuốn. Với các nội dung tri thức, hình minh hoạ tạo sự hứng thú và miêu tả được những kiến thức trừu tượng. (Theo tài liệu của “Sách ơi mở ra”).

Để kích thích tư duy, khả năng quan sát và trí tưởng tượng của bé, bố mẹ có thể vừa đọc vừa tương tác bằng cách đặt ra những câu hỏi. Mình hay đố Bánh Rán, Mỡ: “Đố ai tìm được con cá mó hai màu?”, “Đố ai tìm được con sao biển chân ngỗng?” với cuốn 1000 loài động vật; đọc “Ba chú heo con” trong Truyện cổ tích tử tế, mình hỏi Bánh Rán: “Vì sao hai anh em heo không xây nhà gạch từ đầu?”, “Nếu con là cô bé quàng khăn đỏ, con rút ra được bài học gì?” (truyện “Cô bé quàng khăn đỏ” – Truyện cổ tích tử tế) hay sau khi đọc “Tớ bình tĩnh ngay thôi” trong bộ Công dân nhí văn minh của Nhã Nam, mình hỏi: “Nếu con tức giận, làm thế nào để bình tĩnh?”. Tương tác càng nhiều bé càng ghi nhớ và thích thú. Keyword là “tương tác” nha các bố mẹ. Mà quả thực mình vẫn chưa làm tốt lắm đâu. Hihi.

Tương tác với Bánh Rán và Mỡ cùng cuốn “Tiệm súp lừng danh”

Một vài điều cơ bản mình viết lại đây. Bố mẹ có kinh nghiệm gì khác nữa chia sẻ với mình nhé!