Nếu bạn đang muốn thực hành chánh niệm, hãy tìm đọc “Tĩnh lặng” của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nếu bạn chưa hiểu thật sự về chánh niệm, bạn cũng hãy đọc sách. Hay đơn giản bạn chỉ đang muốn đọc một cuốn sách nào đó để tiếp cận sâu hơn với chính mình, hãy đọc “Tĩnh lặng”.


“Tĩnh lặng” mang nguồn năng lượng đặc biệt

Ngay khi cầm cuốn sách này trên tay, mình đã cảm thấy có một nguồn năng lượng rất đặc biệt. Đó là một cảm giác mộc mạc, chân phương; cảm giác thuần khiết và đơn giản nhưng kì diệu. Thật sự, nguồn năng lượng ấy theo mình suốt quá trình đọc và sau khi đọc, mình vẫn còn cảm nhận được. Mình không biết lý do vì sao, mình chỉ là cảm thấy rất đặc biệt đang diễn ra trong tâm trí mình.

“Tĩnh lặng” không khiến mình thốt lên “Wow”, không làm cho mình nhảy cẫng lên hay phải đi khoe khắp nơi rằng “Đây là một cuốn sách hay tuyệt!”, “Bạn phải đọc nó ngay đi”… Không phải những cảm giác ấy mà là một thứ động lực âm ỉ cháy trong lòng, một điều gì đó thúc đẩy mình từ bên trong. Nó lạ lắm các bạn ạ. Khi đang viết những dòng này, mình thật lòng muốn nói: “Bạn nên đọc cuốn sách này” nhưng mình cũng muốn viết lại thật dài cảm xúc kì lạ, kì diệu mình có.

“Tĩnh lặng” và những từ khoá gợi mở

Mình sẽ không đi sâu vào nội dung cuốn sách. Với những cuốn sách như thế này, mình nghĩ các bạn nên đọc thật chậm và thật kỹ, vừa đọc vừa ngẫm, đọc xong rồi đọc lại. Mình chỉ ghi lại đây những từ khoá mà trước khi đọc bạn có thể tìm hiểu hay đặt câu hỏi trước:

  • Hơi thở chánh niệm
  • Sự vắng lặng / Sự tĩnh lặng / Niềm vui của sự yên tĩnh
  • Hải đảo tự thân
  • Ngôi nhà đích thực
  • Niệm và Định
  • Tàng thức và ý thức

“Tĩnh lặng” để quay trở về bên trong

Sách hướng dẫn bạn những bài thực hành hơi thở, nhắc đến vai trò của chánh niệm qua những câu chuyện, chia sẻ của thầy Thích Nhất Hạnh. Hơn hết, sách giúp bạn nhớ đến một điều quan trọng: Quay về bên trong, soi chiếu bản thân mình để sống hạnh phúc hơn.

Sách rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Hãy đọc chậm chứ đừng ngấu nghiến, đọc và quan sát rồi cùng nhau thực hành bạn nhé!