Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai

Đó là lời kết cho khoá học 4 buổi về làm cha mẹ của thầy Nguyễn Minh Thành – Thạc sĩ Tâm lý học phát triển, Nghiên cứu sinh Tiến sĩ. Gọi là thầy nhưng bạn ấy bằng tuổi mình và dạy “cuốn” vô cùng. Một câu thơ khép lại bài học và mở ra những chân trời hy vọng cho những người làm cha mẹ nhiều băn khoăn, lo nghĩ, nhiều mâu thuẫn và kỳ vọng.

Mình ghi lại đây những gạch đầu dòng có ý nghĩa nhất với bản thân mình sau khoá học:

  1. Mình thật là một người “Cái gì cũng vơ vào mình”, thấy con khó bảo, bướng bỉnh mình cũng nghĩ đó là lỗi của mình. Thật là một suy nghĩ sai lầm và phiến diện vì những hành động không phù hợp của con xuất phát từ nhiều yếu tố:
    – Nguyên nhân từ chính con (giai đoạn khủng hoảng, sức khoẻ, giới tính);
    – Môi trường xung quanh trẻ (gia đình, trường học, bạn bè thân thiết);
    – Môi trường bên ngoài (khu sinh sống, văn hoá).
    Điều cha mẹ cần làm là quan sát con, hiểu nguyên nhân để tìm cách điều chỉnh phù hợp.
  2. Một trong những điều mình căng thẳng nhất: Hầu như sáng nào mình cũng cần phải cáu gắt, mắng, quát thì con mình mới chịu hợp tác dậy đánh răng và đi học. Mình rất buồn phiền vì điều này. Và mình đã bắt đầu thay đổi bằng cách đặt mục tiêu rõ ràng và chi tiết như thầy Thành gợi ý trong bài học. Mục tiêu gồm:
    – Mục tiêu hướng vào bản thân mình
    – Mục tiêu trợ giúp con thay đổi hành vi
    Cụ thể, mình đặt mục tiêu tới hết tháng 2 (thời điểm bắt đầu là đầu tháng 2), mình sẽ giảm tần suất “nói to” với con, tăng tần suất nói nhẹ nhàng để giúp con sáng dậy vui vẻ, không còn nhõng nhẽo.
    Mình đã trò chuyện với con về điều đó. Con cũng đồng ý. Trong quá trình, con hợp tác với mình nhưng có những ngày con thật sự “bùng nổ”, khiến mình không kiềm chế nổi mà đánh con. Nhưng rồi đến thời điểm này, khoảng hơn 1 tháng, mình đã nhận ra sự thay đổi của hai mẹ con với mục tiêu. Hành trình làm mẹ của mình nhiều lỗi sai lắm, mình vẫn quát mắng con rất nhiều nên sẽ cần tiếp tục đặt mục tiêu và sửa dần dần.
  3. Nếu mình để ý đến những hành động không phù hợp, thì cần phải để ý đến cả hành động phù hợp của con. Có một quy tắc mà thầy Thành nhắc đến, quy tắc 5:1 (thậm chí trong tâm lý học tích cực, quy tắc ấy thay đổi thành 7:1). Nghĩa là: để cân bằng 1 cảm xúc khó chịu, cần 5 (hoặc 7) cảm xúc dễ chịu. Nhiều nhỉ? Thầy bảo, hãy bắt đầu và không cần tuân theo chính xác công thức này, có khi chỉ cần 1:1 thôi cũng được.
    4 bước để chú ý tới hành vi tốt của con:
    – Gán nhãn (gọi tên): không gọi chung chung là hành vi “ngoan”, mà hãy gọi tên cụ thể hành vi đó thể hiện con “có trách nhiệm”, con là “người tử tế”, con là “người gọn gàng”…
    – Giải thích: vì sao hành động đó lại là một hành động tốt?
    – Ghi nhận: cảm xúc của cha mẹ trước hành động của con
    – Kỳ vọng: nói lên mong muốn con sẽ phát huy…
  4. Ghi nhận và khen thưởng con cần kết hợp linh hoạt giữa phần thưởng tinh thần và vật chất:
    – Tinh thần: Thêm thời gian chơi của con, thêm thời gian đọc sách, thêm thời gian chơi cùng bố mẹ
    – Vật chất: Món ăn con thích, Đồ chơi, đồ dùng con thích
  5. Parental Burnout – Kiệt sức trong hành trình làm cha mẹ – là khái niệm mình mới được biết tới. Trước đó mình biết đến Trầm cảm, Trầm cảm sau sinh thì bây giờ là Parental Burnout. Những người mắc phải hội chứng này sẽ cảm thấy bị rút cạn sức lực và mệt mỏi; quá tải và đánh mất niềm vui trong việc nuôi dạy con; xa cách về mặt cảm xúc với con; mâu thuẫn với hình ảnh cha mẹ mình từng kỳ vọng hướng tới. Đâu đó, thi thoảng mình có những dấu hiệu này.
    Và điều mà thầy nói: đừng bao giờ nghĩ mình chỉ có một mình, chỉ một mình mình như vậy. Bằng cách đó, bạn đã tự cô lập bản thân và mọi việc sẽ trở nên trầm trọng hơn. Ngay lúc này, điều mà người trong cuộc cần là sự lắng nghe không phán xét, sự hiện diện của người lắng nghe mình.
    Mình thấy quá đúng!

Viết đến đây, mình nhớ một phân đoạn rất cảm động của mẹ Hạnh và Happy trong “Đừng làm mẹ cáu”:

– Mẹ thấy mẹ thất bại, chẳng làm gì nên hồn. Mẹ nuôi con cũng làm con bị bệnh. Mẹ thấy mẹ nghèo hèn nên ai cũng có quyền mắng mỏ, chà đạp mình. Mẹ không biết là mình phải làm gì nữa.
– Không biết cũng không sao, mẹ bảo con không ai biết mọi thứ trên đời này cơ mà… Mẹ bảo không biết thì cần phải học.
– Nhưng sao khoá học làm mẹ này, mẹ học mãi chưa xong.
(Mẹ Hạnh nghĩ tiếp: Mà có lúc mẹ mệt lắm rồi!)

Mình chia sẻ vì thấy đồng cảm và mình nghĩ là những ai làm mẹ cũng đều ít nhiều rơi vào tâm trạng này. Rồi sau cơn mưa trời lại sáng. Chỉ cần bạn tin vào chính mình và cho bản thân mình cơ hội, mọi chuyện rồi sẽ có cách.