Cho tuổi 20+ và cô gái mê viết, ước mơ còn dang dở là vì chân trời mới ngày càng được mở ra, ai đến được tận cuối để chạm vào đường chân trời kia cơ chứ? Dù tài khoản ngân hàng vẫn là con số 0 tròn trĩnh về cuối tháng, những nơi đến được mỗi năm ít dần, cuộc sống ngày càng bận rộn và cuốn người ta vào những mối quan hệ hờ hững, thì đừng quên vẫn có một niềm đam mê chảy trong người: Niềm mê viết. 

***

Tôi mở lại những bức ảnh chưa đầy một năm về trước và ngồi suy tư giữa trời thu Hà Nội với niềm yêu khó cưỡng. Có những nỗi nhớ tôi chẳng rõ mình đã quên từ bao giờ, có những niềm vui và hạnh phúc vẫn đâu đây. Thế là lại sắp thêm một tuổi mới với tất cả những điều còn dang dở. Có lẽ nhiều người sẽ thắc mắc: Điều gì dang dở?

Tôi vẫn hay trăn trở về mơ ước của bản thân mình bằng những câu hỏi mà câu trả lời rất mơ hồ và mông lung. Ước mơ đó có phải là một ngày tài khoản của tôi đủ rủng rỉnh để thực hiện một chuyến đi Châu Âu như cậu bạn của tôi? Hay là ngày nào đó tìm được vị trí nhất định trong công việc? Hoặc là những nơi chân trời mới trong wish-list lần lượt được đánh một dấu “tick”? Khi đang trong giai đoạn 20+ này, tôi dám chắc nhiều người sẽ còn băn khoăn về tất cả mọi sự lựa chọn, liệu đâu là đúng và thế nào là phù hợp. Tôi không phải một ngoại lệ.

Hà Nội mùa này bạn có để ý nắng trong veo? Lá vàng chưa rơi nhiều nhưng đủ để cảm thấy thích thú khi đứng dưới tán cây, mặc cơn gió mùa sắp tới khiến người run lạnh. Tôi đã từng viết lại những điều đó như một niềm vui nhỏ bé để xoa dịu những chán chường thuở mới biết yêu thương. Người ta nói, “khi yêu ai cũng là thi sĩ” nào có sai? Tôi mơ mộng về một người con trai như theo đuổi thần tượng của cuộc đời mình. Đem thứ tình yêu ảo mộng đó ra làm cái cớ để viết những câu thơ hay đôi ba dòng tản mạn. Cuộc sống như giả vờ buồn và nhẹ nhàng, mênh mang. Thế mà bây giờ, thời gian chẳng phải là bao xa mà tôi quên mất một ngày sống chậm, một mình lang thang và lênh đênh trong niềm nhung nhớ. Có một thời, viết lách là động lực. Còn bây giờ, tìm đâu được đủ thương yêu để kể lại một câu chuyện rất đời và rất thật.

Cho tuổi 20+ và cô gái mê viết

Rồi tôi ra trường. Ngày còn trên giảng đường, tôi ao ước được đi kiếm tiền như bao bạn bè khác. Tốt nghiệp xong tôi mới thấu sự bế tắc trên một ngã rẽ mà lối đi nào cũng mờ mịt, gian nan. Tôi khóc trong những đêm không ngủ được vì suy nghĩ “Có lẽ nào mình kém cỏi đến vậy sao?”. Chắc lúc đó, khóc là điều duy nhất tôi có thể làm. Và chìm vào giấc ngủ chập chờn với những suy nghĩ không thoát ra được. Nhưng hồi đó, tôi tìm thấy bản thân mình qua những trang A4 dày đặc chữ mà tôi miệt mài ngồi gõ lại. Thực ra, tôi đã tìm ra niềm yêu thích viết lách muộn màng của mình giai đoạn bắt đầu vào đại học, sau khi quen một người. Tôi tự nhủ “Giá mà tôi biết điều này sớm hơn chút nữa, ngôi trường tôi chọn và hướng đi của tôi sẽ khác”. Nhưng thời gian thì có bao giờ quay trở lại được. Một là tiếp tục, hai là làm lại từ đầu. Và tôi không phải một đứa đủ dũng cảm để bắt đầu lại hoàn toàn.

Những ngày thời tiết đáng yêu thế này, tôi đều ghi lại bằng cảm nhận riêng của mình. Mơ hồ gửi gắm vào đó một vài câu khiến ai cũng tưởng rằng tôi đang buồn. Mà quả thực tôi buồn thật. Người nào thích thì ủng hộ, người không thích bảo rằng tôi “hâm”, “sến sẩm”. Tôi không quan tâm lắm vì hồi đó, mục đích của tôi chỉ là cho một người. Sự nghiệp viết lách của tôi cứ thế lớn dần lên, đối với bạn bè, tôi là một cây viết nghiệp dư chưa tìm được đất dụng võ. Tôi còn nhớ lần đầu tiên bài viết của tôi được chọn vào vòng sơ khảo cuộc thi nhạc Trịnh trên báo Tuổi Trẻ. Tôi vui tới mức ngày nào cũng vào đọc, rồi check số lượng bình chọn. Tiếc thay, tôi chỉ dừng lại ở đó. Bạn biết không, có những thứ nhỏ xíu vậy thôi mà là động lực lớn lao không tưởng. Sau lần đó, tôi tập tọe viết nhiều hơn, thử sức trong cả lĩnh vực truyện ngắn. Tôi tìm kiếm những cuộc thi và cứ mỗi lần được duyệt bài là một lần tôi hí hửng khoe với đứa bạn thân nhất. Công việc năm đầu sau khi tốt nghiệp không phải là một công việc tôi thích. Để bù đắp lại nỗi tẻ nhạt đó, tôi cứ viết hoài về nhịp sống chầm chậm tôi cố tạo ra giữa thủ đô đầy bon chen này. Nhưng phải thừa nhận, Hà Nội mùa thu hanh hao và đông lạnh buốt là điều lôi cuốn tôi nhiều nhất. Thi thoảng cao hứng, tôi đem bài gửi báo, rồi dự thi. Nhiều bài được chọn, nhiều bài thậm chí không nhận được hồi âm. Cho đến một ngày, tôi trở về sau một ngày làm việc thật chán nản, mở máy tính lên và quyết định chọn nghe “Ướt mi” qua giọng hát Khánh Ly đầy ám ảnh.

Trịnh Công Sơn là một trong những người ảnh hưởng tới tôi nhiều nhất, bên cạnh những trang sách trong sáng, ám buồn của Nguyễn Nhật Ánh. Tôi yêu cái buồn của Trịnh mà cứ muốn biến nó thành nỗi buồn trong thơ văn của mình. Không hẳn là một thần tượng, Trịnh Công Sơn là một triết lý cao xa tôi muốn hiểu cho thấu. Thế là, trong lúc cuộc sống đầy hoài nghi ấy, tôi quyết định viết về “Ướt mi”, về Huế, bày tỏ niềm ngưỡng mộ Trịnh qua một bài dự thi nhân dịp tưởng nhớ ngày Trịnh đi về nơi xa rất xa.

Trong bài viết đó, tôi kể về tình yêu Huế gắn liền với nhạc Trịnh, viết về những cơn mưa buồn tôi ao ước được thấy mà Trịnh nhắc tới trong “Ướt mi”. Những dòng văn ấy cứ chảy đều đặn, xếp ngay ngắn thành hàng trên trang giấy như một điều kỳ diệu mà tôi không nghĩ chính tôi đã viết nên những điều đó. Tôi gửi bài đi không với hy vọng gì hơn ngoài việc nhìn thấy nó xuất hiện trên báo với cái tên tác giả là tên của mình. Bước đầu đó của tôi thành công. Bước thứ hai là gì tôi không hề chuẩn bị hay có một chút hy vọng. Tới một ngày rất bình thường, tôi nhận được một cuộc điện thoại. Nếu nói rằng đó là cuộc điện thoại đã thay đổi cuộc đời tôi thì hơi quá, nhưng chính xác nó đã đánh dấu một bước ngoặt lớn lao của tôi ở thời điểm đó.

– Em có phải là HPT, tác giả bài viết trong cuộc thi Nhạc Trịnh trong tôi không? Giọng miền Nam hơi khó nghe khiến tôi phải tìm một chỗ yên tĩnh và hỏi lại một lần nữa trước khi xác nhận thông tin.

– Vâng. Đúng rồi ạ.

– Anh gọi điện để thông báo là bài viết của em đã được chọn là một trong ba bài viết xuất sắc nhất để trao giải. Thông tin sẽ được gửi chi tiết hơn qua email cho em.

Giọng miền Nam trìu mến, dễ thương. Tôi vui sướng, đầy bất ngờ “Ôi thế ạ!”, và cảm ơn rối rít sau một vài câu trao đổi sau đó. Tôi cười không dứt, chạy ra chạy vô, bồn chồn và hạnh phúc. Như một giấc mơ tôi đã mơ từ lâu lắm rồi. Ai ngờ, sẽ có ngày hôm nay. Cầm điện thoại, tôi vội vàng mở mạng và tìm lại bài viết của mình, đưa cho mẹ:

– Con được giải rồi mẹ ơi. – Cười tươi nhất có thể – Đây này, mẹ xem này!

– Thế á? – Mẹ cũng cười rất rạng rỡ. – Sao gửi bài lúc nào mà mẹ không biết?

– Nhưng mà trao giải ở Sài Gòn cơ, chắc con không đi đâu, phần thưởng cũng không nhiều. Được thế này là con vui rồi. – Tôi hơi ngậm ngùi một chút, nhưng không điều gì có thể che giấu được niềm hạnh phúc vô bờ tôi đang có. Tôi đã chờ đợi bao lâu cho điều này? Ai mà biết, tôi đã chờ đợi rất rất lâu rồi. Cả nghìn cây số tới Sài Gòn, chưa bao giờ tôi dám mơ được đặt chân tới đó. Tôi đi khoe với một vài người bạn sau đó, thậm chí tôi muốn hét lên cho cả thế giới biết rằng tôi đã làm được điều kỳ diệu này. Tôi gọi điện nhờ cậu bạn đang trong Sài Gòn nhận giải thưởng giúp. Hình như chưa bao giờ tôi cười hạnh phúc đến thế. Chỉ ngày mai thôi, bạn ấy sẽ thay tôi lên nhận niềm vinh dự và tự hào tôi đã tìm được đó. Mọi thứ xảy đến quá nhanh và bất ngờ khiến bản thân tôi không kịp trở tay.

Nếu cuộc điện thoại từ Ban tổ chức cuộc thi là cuộc điện thoại hạnh phúc, thì cuộc điện thoại tận cuối ngày hôm đó từ bố tôi đã khiến nụ cười hóa thành những giọt nước mắt hơn tất thảy những niềm vui trước giờ của tôi cộng lại.

– Mẹ kể cho bố rồi. Bố rất vui. Con đi đi, cơ hội không có lần thứ hai đâu. Bố cảm thấy rất tự hào.

Xém chút nữa tôi để bố biết là tôi đang khóc. Miệng thì cười mà nước mắt cứ lăn dài. Không phải vì buồn, mà cảm động vì được bố mẹ ủng hộ hết mình. Tôi cứ chối đây đẩy rằng chỉ là một cuộc thi nhỏ thôi, phần thưởng cũng không phải là tiền mặt đâu. Bố nói:

– Bố biết rồi. Phần thưởng không quan trọng, quan trọng là con đã làm được. Vào Sài Gòn đi, bố mẹ đều ủng hộ. Tôi yêu bố mẹ và tưởng rằng tôi đủ lớn để hiểu thấu suy nghĩ của bố mẹ. Nhưng tôi không bao giờ nghĩ, bố mẹ luôn đứng đằng sau cổ vũ và động viên tôi nhiều đến thế. Đúng là tôi không chỉ dành được giải thưởng một cuộc thi, điều tôi cảm thấy mình may mắn là có một gia đình nơi mà thành công bé nhỏ của tôi không bao giờ bị chối bỏ. Dù công việc, ngành học của tôi chẳng có chút liên quan gì tới việc viết lách, nhưng bố mẹ vẫn luôn luôn ủng hộ niềm đam mê này của tôi. Nếu bạn là tôi lúc đó, chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc như thế!

Vé máy bay được đặt vào lúc nửa đêm. Quyết định ngày mai cất cánh vào Sài Gòn được đưa ra sau khi bố gọi điện. Sài Gòn đang chờ tôi còn tôi thì sao mà háo hức và hồi hộp đến thế. Tôi chat với cậu bạn đang trong đó, người mà lúc đầu tôi nhờ nhận giải thưởng hộ:

– Tớ không tin nổi nữa. Tất cả mọi thứ đến với tớ quá nhanh. Tớ thấy có lỗi vì chưa bao giờ nghĩ bố mẹ lại ủng hộ tớ nhiều đến thế.

– Cậu phải thấy hạnh phúc mới đúng. Vé máy bay đã được đặt. Hẹn gặp cậu trong này và vi vu Sài Gòn cùng tớ.

– Tớ hạnh phúc phát khóc. Tớ vẫn nghĩ đây là một giấc mơ, cho tới khi tớ đặt chân xuống Sài Gòn ngày mai.

Tôi mong trời sáng.

Vậy đó, để nhìn lại một năm đã qua, tôi chỉ muốn kể câu chuyện của bản thân mình như vậy. Lần đầu tiên tôi tới Sài Gòn cũng là thời điểm tôi hạnh phúc nhất, vì thế Sài Gòn trong ký ức của tôi là một câu chuyện tình đẹp. Với một cô gái bình thường hết sức, phát hiện ra niềm yêu thích viết lách của mình lúc bắt đầu vào giảng đường đại học, theo đuổi nó chỉ vì một cậu bạn trai thầm thương, thì giải thưởng lần này là vô giá. Trên con đường này, một người ngoại đạo với văn chương như tôi còn cần phải cố gắng gấp nhiều lần hơn thế để đạt được mục tiêu khác xa hơn, gian nan hơn.

Tôi đi qua Phan Đình Phùng mỗi mùa để cảm nhận vẻ đẹp mà không một con đường nào ở Việt Nam có được; hay lang thang Hoàng Diệu cùng những suy nghĩ về mùa thu đầy chất Hà Nội. Tôi nhận ra con đường hạnh phúc của mình là một ngày viết lại được những suy tư của chính mình trên trang giấy trắng bằng thứ cảm xúc chân thành và mộc mạc nhất. Nhưng vẫn đẹp tuyệt.

Cho tuổi 20+ và cô gái mê viết, ước mơ còn dang dở là vì chân trời mới ngày càng được mở ra, ai đến được tận cuối để chạm vào đường chân trời kia cơ chứ? Dù tài khoản ngân hàng vẫn là con số 0 tròn trĩnh về cuối tháng, những nơi đến được mỗi năm ít dần, cuộc sống ngày càng bận rộn và cuốn người ta vào những mối quan hệ hờ hững, thì đừng quên vẫn có một niềm đam mê chảy trong người: Niềm mê viết.