Nếu như nửa đầu cuốn sách “Sống hạnh phúc” của Đạt Lai Lạt Ma và Howard C. Cutler, M.D., mình đào sâu tiềm thức và nhận ra những nguyên nhân khiến mình rơi vào trạng thái không thật sự hài lòng, vui vẻ; thì nửa sau chính là những giải pháp giúp mình gỡ bỏ cảm xúc tiêu cực để có một cuộc sống hạnh phúc.

Một lần nữa, mình muốn nhấn mạnh rằng, đây chính là cuốn cẩm nang hỗ trợ bạn trong cuộc sống. Không cần đọc ngấu nghiến như một cuốn tiểu thuyết, hãy đọc nó bất cứ khi nào bạn cảm thấy có vấn đề về tâm trí.

Mình ghi lại đây những điều cốt lõi nhất với mình. Để hiểu rõ hơn, bạn hãy đọc “Sống hạnh phúc” nhé!

Không có những giải pháp… “ăn xổi” để sống hạnh phúc

Đúng vậy! Muốn sống hạnh phúc, bản thân cần nuôi dưỡng tâm trí khoẻ mạnh và bền vững. Mà để đạt được điều đó, gỡ bỏ những vấn đề tâm lý, chúng ta đều cần sự rèn luyện, thay đổi “từng centimet” một chứ không bao giờ có giải pháp “một phát ăn ngay” đâu nhé!

Sự kiên nhẫn và lòng bao dung

Mình vẫn tưởng rằng, khi tức giận, nếu xả ra được thì sẽ ổn hơn. Nhưng không phải, điều này càng làm cơn tức giận phát triển và trở nên kinh khủng hơn. “Sống hạnh phúc” chỉ ra rằng, để gỡ bỏ cơn tức giận, mình cần xây dựng sự kiên nhẫn và lòng bao dung. Cụ thể hơn, đó là bồi đắp sự hài lòng nội tâm và lòng thương xót.

Thể hiện thái độ kiên nhẫn và lòng bao dung trước hành động của những người khiến mình trở nên tức giận không phải sự yếu hèn. Ngược lại, nó thể hiện sức mạnh nội tâm của mình. Khi đã có sự kiên nhẫn và lòng bao dung, chúng ta cũng dễ dàng tha thứ cho những chuyện đã xảy ra.

Nghĩ đến giải pháp và động cơ chân chính

Với những người hay lo lắng, đây là cách giúp họ vượt qua trạng thái tâm lý này. Có nghĩa là, trước một tình huống khiến chúng ta cảm thấy sợ sệt, hãy nghĩ về giải pháp cho vấn đề mình đang gặp phải. Nếu thậm chí bạn không thể tìm ra giải pháp nào, thì đó cũng chẳng phải vấn đề bạn đáng lưu tâm.

Cách thứ hai, luôn nhớ đến động cơ chân chính phía sau việc làm của bạn và luôn thành thật. Đức Lai Lạt Ma có lấy một ví dụ về bản thân ông, khi ông cảm thấy khá lo lắng trước khi trình bày một bài diễn thuyết, ông sẽ nghĩ đến động cơ của mình khi quyết định làm việc này: Lan toả những điều tốt đẹp đến với mọi người chứ không phải khoe khoang kiến thức. Điều gì ông biết, ông sẽ chia sẻ cặn kẽ, điều gì chưa biết đến ông sẽ thành thật với mọi người. Bằng cách đó, dù mọi người đánh giá ông như thế nào, bản thân ông đã chiến thắng được nỗi lo lắng trong lòng.

Thành thật với chính mình và người khác

Một trạng thái cảm xúc thường thấy được nhắc đến trong sách là thiếu tự tin/tự tin thái quá vào bản thân. Dù bạn ở trong trường hợp nào, để gỡ bỏ nó, bạn chỉ cần sống thành thật với chính mình và người khác. Bởi khi bạn thành thật, bạn không có gì phải che giấu, lo sợ người khác sẽ nhìn thấy những điều xấu xí của mình.

Giận dữ, lo lắng, tự tin thái quá/thiếu tự tin là những cảm xúc ngăn cản chúng ta có một cuộc sống hạnh phúc. Bạn có thể hoá giải chúng bằng cách tham khảo những cách trên mình vừa viết lại từ cuốn sách “Sống hạnh phúc”. Bạn có thể làm theo cách của riêng mình. Dù thế nào, chúc bạn sẽ thay đổi tích cực một ngày để tận hưởng cuộc sống và trân trọng những gì mình đang có!