Mình chọn đọc “Sống hạnh phúc” của Đạt Lai Lạt Ma và Howard C. Cutler, M.D. vào quãng thời gian khủng hoảng trầm trọng trong mối quan hệ vợ chồng, với cả gia đình chồng – mà cụ thể là mẹ chồng. Mình đã loay hoay và nghĩ suốt về việc “Nếu bây giờ chia tay, mình sẽ làm gì? Ở đâu? Nuôi con như thế nào?”. Rồi những buổi tối khi con ngủ, mình ngồi đọc Sống hạnh phúc.

Đến giờ mình vẫn chưa đọc xong vì bỏ ngang chừng nhưng mình cảm thấy nó đã đánh thức một-cái-gì-đó bên trong mình.

Nửa đầu cuốn sách

Đọc đến chừng chương 7 hay 8 gì đó, mình tự nhiên “vỡ” ra 3 điều “key” nhất mà mình đã note lại trên giấy:

  1. Mục tiêu cuộc đời là hạnh phúc.
  2. Mở rộng sự thân mật
  3. Đồng cảm và xem xét bối cảnh của người khác

Cụ thể là, mục tiêu của cuộc đời là tìm kiếm hạnh phúc. Coi hạnh phúc như một thực thể và vạch ra con đường đạt được nó, con đường đó chính là những công việc, hành động, trải nghiệm khiến mình cảm thấy hạnh phúc.

Số 2 và số 3 có ý nghĩa với mình ở thời điểm mình đọc sách bởi vì mình có vấn đề rất lớn với mẹ chồng. Mình lúc nào cũng cảm thấy bị bà kiểm soát, ở gần bà mình cảm thấy bị mất tự do. Đến khi mình đọc sách, mình nhận ra vấn đề từ phía mình: đó là thiếu sự thân mật và đồng cảm với mẹ chồng.

Nhưng, quan trọng hơn tất cả ở nửa đầu cuốn sách này chính là mình đã TÌM RA sự tổn thương bấy lâu trong chính con người mình. Không biết là sự trùng hợp hay là nhờ sách mà mình vỡ lẽ, có một giấc mơ đến với mình. Nó rất thật, thật đến mức mình đã nghĩ rất lâu về nó. Trong giấc mơ mình thốt lên: “Mẹ ơi, mẹ ở đây với con”. Mình hiểu ra rằng mình cần mẹ biết bao, cần mẹ ở bên cạnh vỗ về an ủi khi còn nhỏ, cần mẹ động viên, hỗ trợ khi lớn hơn và tới tận bây giờ khi đã là mẹ, mình vẫn rất cần mẹ. Nhưng mẹ ít khi ở bên mình. Mẹ không tinh tế, không tâm lý như bố nên mẹ thường nghĩ với mình, như vậy là đủ. Mình thì không muốn mẹ phải vất vả với mình thêm nữa nên cứ chủ động và trở thành “đứa con ngoan” không đòi hỏi gì bao giờ.

Mình đã từng đi học thiền, học chữa lành Đứa trẻ bên trong và băn khoăn mãi không hiểu: “Liệu mình có tổn thương nào trong quá khứ mà mình không hề biết?” Mình cứ đi tìm câu trả lời suốt và cho đến khi đọc sách, mình mới tìm ra nó.

Chương 9: Đau khổ do mình tự tạo ra

Nỗi buồn, đau khổ là điều không thể tránh khỏi. Sự mất mát người thân, sinh ly tử biệt như một điều tất nhiên của cuộc sống. Vì thế, đừng chìm đắm trong nó vì dù có đau buồn đến mấy, sự việc cũng không thể thay đổi. Trong sách gọi điều này là “chấp nhận đau khổ”.

Nói về sự đau khổ mà không phải những điều tất nhiên bên trên, tác giả có nhắc đến những đau khổ phần lớn do chính mình tự tạo ra, bởi sự nhạy cảm và phản ứng thái quá của bản thân. Những đau khổ ấy có thể đến từ sự thay đổi. Ở đây, tác giả đưa ra ví dụ về mối quan hệ vợ chồng. Câu chuyện ly hôn vì cảm thấy hết yêu, hết lãng mạn và mặn nồng. Mọi thứ sau ly hôn vẫn hoàn toàn ổn như thoả thuận nhưng cả hai chưa thực sự thích nghi được.

Sách nói rằng một mối quan hệ cũng sẽ theo một chu kì, như sự phát triển của một đứa trẻ. 3 giai đoạn đó là: “Hãy ôm em thật chặt”, “Hãy đặt em xuống”, và “Hãy để tôi yên”. Nhưng các giai đoạn này không chuyển động theo một hướng. Trong khi đứa trẻ trưởng thành, muốn được tự lập làm mọi thứ thì khi gặp khó khăn, nó vẫn muốn được ôm ấp, an ủi từ bố mẹ. Việc mối quan hệ vận động theo chu kỳ đó là điều hoàn toàn bình thường. Sau những lúc mặn nồng, sẽ có lúc mâu thuẫn xảy ra, và đây là thời gian để chúng ta quay về bên trong mình, là bước đệm cho một sự phát triển mới của mối quan hệ này. Vì thế, trước khi dừng lại một mối quan hệ hay thay đổi một điều gì đó, hãy dừng lại và quan sát thật kỹ thay vì đưa ra quyết định một cách mù quáng.

Câu chuyện ly hôn bên trên lại có một kết cục bất ngờ. Sau hai năm từ khi người vợ tìm đến tác giả để trị liệu, vợ chồng họ đã tái hôn. Lý do vì trong thời gian ly hôn, họ đã không còn kì vọng vào nhau sự lãng mạn như trước nữa. Họ khám phá ra rằng họ vẫn còn yêu nhau.

Kết

Đặt tiêu đề là Review nhưng thực ra mình chỉ ghi lại những điều hữu ích mà cuốn sách đã mang lại cho mình. Nó thực tế, đúng với hoàn cảnh của mình. Sách hơi khó đọc vì nhiều thuật ngữ, cách dùng từ mình không cảm thấy nuột nà, thân thuộc nên mình đọc chậm ghê. Nội dung đúng là “Cẩm nang cuộc sống” như ghi trên bìa, giúp người đọc có định hướng rõ ràng hơn để đi đến đích đến cuộc đời: Sống hạnh phúc.

Mình chưa đọc hết, dừng lại ở chương 9 và ghi chép lại một chút điều thú vị. Mong là nếu bạn tìm đọc, cũng sẽ vỡ ra được những bài học cho riêng mình.