Là lưng chừng thanh xuân trong tay chẳng có gì. Chỉ là những ngày tháng băn khoăn, nghĩ ngợi. Sẽ có dạo, người ta thu mình lại, tránh né mọi mối quan hệ cả mới cả cũ, không dám đối mặt với con người yếu đuối bên trong, không muốn cho ai biết đằng sau vẻ ngoài kia là một đứa yếu đuối thế nào.

Là lưng chừng sự nghiệp. Cái nhiệt huyết bỗng một ngày biến thành những hời hợt, chán nản. Những lời nhận xét về việc không chịu đấu tranh vô tình trở thành áp lực. Có phải không đấu tranh, luôn nhận lỗi về mình sẽ phải chịu thiệt thòi?

Là những người bạn không còn hiểu nhau như trước, không còn tâm sự và chia sẻ được nhiều như trước. Là những lời nói ra lại trở thành hiểu lầm và không muốn giải thích. Lần nào nhắc tới các mối quan hệ cũng thấy còn một chút gì đó tiếc nuối. Cũng bởi vấn đề của mình, mình phải tự đối mặt và giải quyết.

Là cảm giác trì trệ, tự ti. Mình không đủ tốt như mình mong muốn hay vì mong muốn của mình quá lớn? Mình đòi hỏi bản thân mình quá nhiều mà quên mất yêu thương, chiều chuộng nó. Là áp lực khi đặt chình mình lên bàn cân với quá khứ, hiện tại, với những người xung quanh. Là tự nhiên quên mất giá trị của mình ở đâu?

Lưng chừng…

Cảm giác này khó chịu hơn cả nỗi buồn bởi bản thân nó đã là một thất bại.

Chẳng biết lúc Phạm Hồng Phước sáng tác bài Khi người lớn cô đơn có cảm thấy lưng chừng không mà vốn dĩ không ưa những giai điệu thị trường, người ta vẫn không thể không rơi nước mắt. Câu từ trong đó như nói hộ cảm giác ngay lúc này. Làm người lớn khó quá!

Có lẽ sau tất cả sự cố gắng, nếu không biết thể hiện ra thì người ta sẽ không bao giờ nhìn thấy và công nhận. Vậy làm sao để làm được khi bản thân không thích?

Lưng chừng mùa đông. Lưng chừng nhớ. Lưng chừng thương. Lưng chừng yêu. Có những lúc, chỉ một lời yêu thương như nhắc đắp thêm chăn lúc ngủ cũng làm những lưng chừng kia nhẹ bẫng.