Ngày đầu tiên cầm chiếc máy ảnh trên tay, hí hửng, bồn chồn, hồi hộp như ngày đầu được mời đi cafe. Rồi suy nghĩ mãi về việc sẽ đi đâu, sẽ chụp những bức hình như thế nào…; như thể đang lên kịch bản cho những điều sẽ nói trong buổi hẹn hò đầu tiên.
Lần đầu tiên tới phòng tráng phim, ấn tượng với khu tập thể cũ kỹ, căn phòng đầy những chiếc máy ảnh và vỏ phim để lại, lúng túng đưa cuộn phim đầu tiên cho chị ở phòng tráng, để lại tên và thông tin liên lạc. Ồ, nó giống như ấn tượng đầu tiên với một người, nụ cười, ánh mắt; những câu nói ấp úng chào nhau, những cử chỉ vụng về mà mãi sau này nghĩ lại vẫn thấy xấu hổ.
Cảm giác chờ đợi đầu tiên, về nhà chỉ trực trước máy tính, reload email gần như mỗi phút một lần và đến khi click vào folder ảnh đã được scan, tim đập liên hồi, trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước khi những bức ảnh hiện lên, những câu hỏi và băn khoăn vẫn kịp xuất hiện. Chẳng khác gì lúc nhìn thấy tên ai đó hiện trong inbox, mở tin nhắn và đọc…
Nếu là những bức ảnh đẹp: nghĩa là đối với bản thân nó không bị out nét, không bị quá sáng, màu đẹp… thì sẽ cười tươi lắm. Dù trước đó là cả một ngày tồi tệ thì thời khắc ấy là lúc cứu vãn lại tất cả tâm trạng đang xuống dốc. Và ngược lại. Tương tự lúc đọc tin nhắn từ một người coi là đặc biệt.
Dùng một chiếc máy phim hỏng đo sáng còn giúp luyện “giác quan thứ sáu”, cảm nhận ánh sáng, khoảnh khắc thay vì dựa vào máy móc, phán đoán xem liệu cuộn phim đó có đẹp không; đối với tình yêu thì là cảm giác người ta có thích mình hay không đó.
Dùng máy phim thích nhất là lúc chờ đợi, “phải lòng” một người cũng thế. Thà cứ sống mãi trong lúc chưa biết tình cảm của họ ra sao còn hơn là biết họ không thích mình hoặc có người yêu mất rồi.