Quan sát em bé 2 tuổi và hành trình đọc sách cùng con, mình nhận ra rằng: Không có em bé nào là không thích đọc sách cả! Việc của bố mẹ chúng mình là làm thế nào để duy trì thói quen đọc sách cùng con mỗi ngày. Có những bài học mình đã rút ra được trên chặng đường làm mẹ và muốn chia sẻ lại:

1. Kiên trì & kiên nhẫn

Quả thực, nếu ngay cả bản thân bố mẹ cũng không thể kiên trì ngồi đọc sách cho con nghe thì sẽ không thể trách em bé vì sao không chịu đọc sách. Kiên nhẫn giải thích khi con có những hành động không đúng (như xé sách, không tập trung…), kiên trì dành thời gian đọc sách cùng con thay vì dùng điện thoại – Đó là 2 việc mà bố mẹ nào cũng nên tự rèn luyện đầu tiên khi muốn xây dựng niềm hứng thú với sách cho đứa trẻ của mình.

Kiên nhẫn ra sao? Thay vì bắt con phải ngồi nghe mình đọc từ đầu tới cuối cuốn sách, hãy để con dừng lại khi con không muốn còn mình thì vẫn ngồi đọc với sự vui vẻ để con thấy cuốn sách hấp dẫn ra sao. Khi con xé sách, hãy kiên nhẫn giải thích và cố gắng không phản ứng gay gắt với con lúc đó. Khi con muốn tự mình được đọc hay lật mở sách, hãy để con tự làm và hỗ trợ con khi con cần…

2. Cho con quyền được lựa chọn sách

Mỗi khi đọc sách, em bé nhà mình vẫn tự ra giá sách tìm và chọn cuốn mà con thích. Có những cuốn sách mua về, con không đọc một chút nào. Có những cuốn sách đọc tới rách hết cả, cũng có những cuốn phải một thời gian sau khi con lớn hơn con mới cảm thấy thích thú. Mình vẫn để con được lựa chọn. Trao quyền cho con cũng chính là để con cảm thấy được tôn trọng.

Lựa chọn sách phù hợp với độ tuổi của con cũng là điều bố mẹ cần tìm hiểu kỹ. Em bé dưới 2 tuổi không thể tiếp nhận được một khối lượng từ vựng lớn như một em bé 6 tuổi. Các bé ở độ tuổi này chưa thích những cuốn sách dày đặc chữ mà sẽ hào hứng hơn với các hình ảnh rõ nét, màu sắc sinh động, sách lật mở tương tác, sách con vật, sách đồ vật gần gũi trong đời sống hàng ngày… được mô tả bằng những câu ngắn gọn và lặp đi lặp lại. Chỉ cần bố mẹ chịu khó tìm hiểu sẽ thấy vô vàn sách hay dành cho con. Thậm chí, bố mẹ còn say mê hơn con ấy chứ!

3. Đưa những câu chuyện trong sách vào những hội thoại hàng ngày

Với kinh nghiệm của bản thân mình, đây là một cách rất hiệu quả để con ghi nhớ nội dung sách, tăng trí tưởng tượng – như một cách ôn bài vậy. Mình vẫn hay áp dụng với em bé nhà mình.

Ví dụ như khi con từ chối một thứ gì đó rất gay gắt, mình sẽ hỏi con về việc bạn Tê giác Bibi hay nói “Ứ đâu” đã phải chịu hậu quả gì? Con sẽ kể lại nội dung bạn phải ngồi dưới mưa chơi một mình (Cuốn Miệng xinh học nói lời hay “Ứ đâu”). Hoặc khi nhắc con đi đánh răng, mình sẽ giúp con nhớ lại các bạn trong cuốn “Chơi cùng màu sắc – Đồ ăn” khoe răng xinh như thế nào… Lúc đó, bé nhà mình sẽ tư duy và nhớ lại nội dung đã được nghe kể trong sách. Dù đã ghi nhớ, bé vẫn rất hứng thú khi được bố mẹ đọc lại cho nghe đấy!

Một số đầu sách gợi ý cho bé dưới 2 tuổi mình đã viết ở đây, bạn có thể tham khảo nhé! Chúc bố mẹ sẽ có thời gian đọc sách cùng con thật vui và bổ ích!